CHI TIẾT DỊCH VỤ

Văn phòng thừa phát lại – Quy định rõ hơn việc tống đạt lệnh truy nã

Theo Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi bị can trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can. Quyết định truy nã phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, tuổi, nơi cư trú của bị can; đặc điểm để nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo (nếu có); tội phạm mà bị can đã bị khởi tố. Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt giữ người bị truy nã.

Luật chưa cụ thể

Nhiều chuyên gia đồng tình với ý kiến của nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND tối cao Đinh Văn Quế rằng một khi cơ quan điều tra đã làm đúng, làm đầy đủ các thủ tục trên thì lệnh truy nã luôn có giá trị pháp lý dù bị can có biết mình bị truy nã hay không.

Tuy nhiên đi vào cụ thể, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét pháp luật tố tụng hình sự vẫn chưa quy định chi tiết về việc tống đạt lệnh truy nã của cơ quan điều tra.

Trước hết, luật chỉ quy định lệnh truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt giữ người bị truy nã. Vấn đề là thông báo đó sẽ được đăng trên tất cả báo, đài hay chỉ một số đơn vị? Đăng trên báo trung ương hay báo địa phương? Đăng mấy lần?

Bên cạnh đó, thực tế công an một số nơi còn gửi lệnh truy nã về nơi cư trú của người bị truy nã. Như vậy, ngoài việc đăng tải lệnh truy nã trên các phương tiện thông tin đại chúng thì nhu cầu niêm yết lệnh truy nã tại nơi cư trú của người bị truy nã rất cần thiết nhưng luật lại không đề cập.

Đặc biệt, luật cũng không hề quy định cụ thể về việc giao-nhận quyết định truy nã nên thực tế công việc này thiếu tính chặt chẽ, ít khi có sự ký nhận để ràng buộc trách nhiệm…

Do người thực hành

Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) nhận xét công tác phối hợp thông báo về lệnh truy nã hiện nay khá rối ren. Công an một địa phương không thể gửi quyết định truy nã đi cả nước. Mặt khác, công tác truyền tải trên thông tin đại chúng cũng được thực hiện chưa tích cực, chủ yếu chỉ đăng tải trên báo của ngành công an.

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) thì thẳng thắn: Nếu có sai sót là do người thực hành đã làm chưa đúng, chưa đầy đủ thủ tục, trình tự luật định. Cần phải đưa ra các biện pháp chế tài nghiêm khắc với họ để đảm bảo pháp luật được nghiêm minh.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), để hạn chế sơ sót trong công tác truy nã thì ngoài việc cấp dưới làm đúng trình tự, thủ tục, các cấp lãnh đạo của ngành công an cũng cần phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Chấn chỉnh và hoàn thiện

 

Những sơ sót trong nhiều trường hợp bị truy nã oái oăm là sự nhắc nhở chúng ta cần phải chấn chỉnh, rà soát lại. Bởi chỉ có thế, công tác truy nã mới được thực thi một cách nghiêm túc, có hiệu quả.

Pháp luật cũng cần hoàn thiện thêm về trình tự, điều kiện, thủ tục: Phát lệnh truy nã ở những đâu, phạm vi thế nào, mức độ truy nã bình thường hay đặc biệt… Đồng thời cũng rất cần có những hướng dẫn phối hợp bổ sung chặt chẽ bằng văn bản giữa các cơ quan chức năng với nhau để công tác truy nã đạt hiệu quả cao hơn. Làm sao để cho đến những người đang bị truy nã và người thân, người quen của họ biết về lệnh truy nã để vận động họ ra đầu thú…

Thẩm phán VŨ PHI LONG,
Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Vẫn xuất nhập cảnh hợp pháp

Mới đây, TAND TP.HCM đã hoãn xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Nguyễn Anh Tuấn bị truy tố về tội đánh bạc bởi trước tòa Tuấn khai mình không hề biết đang bị truy nã.

Năm 1998, sau khi thụ án xong, Tuấn về cư trú tại nhà vợ ở quận 3 và có gặp Năm Cam. Năm 1999, Năm Cam mở sòng bạc tại quận 8, rủ Tuấn đến chơi. Tuấn đã đánh bạc thua tổng cộng khoảng 1,2 triệu đồng. Năm 2001, sòng bạc này bị triệt phá. Những người tham gia tổ chức đánh bạc, đánh bạc trong các sòng bạc của Năm Cam đã bị xử lý. Riêng Tuấn, từ tháng 11-2000 đã xuất cảnh hợp pháp đi Đức nhưng sau đó vẫn bị truy nã. Đến năm 2010, Tuấn về nước mới biết mình có lệnh truy nã nên ra công an trình diện.

 

Vẫn đăng ký kết hôn, làm hộ chiếu

Cuối tháng 9-2010, TAND TP.HCM xử sơ thẩm bị cáo Trần Chinh về tội giết người. Tại tòa, Chinh khai hơn 14 năm nay vẫn làm ăn, cưới vợ, sinh con, ra cơ quan chức năng làm giấy phép lái xe, giấy đăng ký kết hôn, hộ chiếu… và đều khai tên thật, đúng ngày tháng năm sinh mà không bị ai phát hiện, ngăn chặn hay nhắc nhở. Tuy nhiên, tòa kết luận bị cáo đã trốn lệnh truy nã vì việc truy nã là do cơ quan điều tra thực hiện nên không thể buộc các cơ quan cấp giấy tờ cho bị cáo phải biết. Cuối cùng, tòa phạt Chinh 20 năm tù.

Vẫn tham gia công việc đoàn thể

Năm 2007, khi xét xử vụ phó giám đốc và kế toán trưởng Xí nghiệp Chế biến lâm sản Thanh Niên lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, TAND TP.HCM đã rất ngỡ ngàng khi hai bị cáo đều khẳng định chưa hề nhận được quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và không hay biết gì về việc đang bị công an truy nã cả.

Một cán bộ Thành đoàn xác nhận tại tòa rằng sau khi nghỉ việc ở xí nghiệp, hai bị cáo vẫn tham gia một số công tác của Thành đoàn và cũng không ai hay biết gì về việc họ bị truy nã cả.

BẢN ĐỒ

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

    (0650)3 63.93.93
    VP. THỪA PHÁT LẠI TÂN UYÊN Liên hệ: (0650)3 63.93.93 Email: thuaphatlaitanuyen@gmail.com
    Liên hệ: Hotline: 0903.045.389 Email: